PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng bảo vệ được sức khoẻ của người dân sẽ giúp Chính phủ củng cố niềm tin và hy vọng kinh tế bớt ảnh hưởng.
Nên dồn nguồn lực chống dịch
- Với diễn biến phức tạp của Covid-19 hiện nay, theo ông kịch bản kinh tế trong nước thời gian tới, cụ thể trong quý 2 sẽ thế nào?
- Chưa biết dịch bệnh bao lâu mới kết thúc nên rất khó để dự đoán. Tuy nhiên, điều dễ thấy là nếu Covid-19 kéo dài hết quý II, nhiều doanh nghiệp có thể phá sản. Doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Khi đó, kinh tế Việt Nam dễ rơi vào suy thoái, vì hiện nay chi tiêu tiêu dùng đang có xu hướng giảm khi người dân hạn chế đi ra ngoài.
Dịch bệnh lần này là một dạng rủi ro hệ thống nên nó sẽ không chừa bất cứ lĩnh vực hay ngành nghề nào. Sau hàng không, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, thiệt hại sẽ lan cả nền kinh tế.
Nếu tăng trưởng kinh tế trong hai quý liên tục sụt giảm thì về lý thuyết, nền kinh tế rơi vào suy thoái. Và nếu suy thoái kinh tế kéo dài sẽ gây ra khủng hoảng. Do đó, cần bảo vệ được lòng tin của người dân và khẳng định sẽ kiểm soát được dịch bệnh để mọi thứ dần đi vào bình thường. Lúc đó mới hy vọng kinh tế bớt bị ảnh hưởng tiêu cực.
TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
- Hiện Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, ông đánh giá việc này như thế nào?
- Việt Nam trước đó đã chuẩn bị các kịch bản để chủ động ứng phó và quyết tâm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Nhưng việc này sẽ khó thực hiện khi dịch bước sang giai đoạn hai với nhiều ca nhiễm hơn và nguy cơ lây lan lớn.
Covid-19 không biết sẽ kéo dài đến khi nào nên chúng ta cần phải ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của người dân, cũng chính là của lực lượng lao động. Nếu không, khi dịch qua đi, Việt Nam sẽ không đủ nguồn lao động với sức khoẻ tốt và tinh nhuệ để làm việc.
Đây là lúc Chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng và ưu tiên toàn lực cho công tác chống dịch trong ngắn hạn nhằm hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế dài hạn. Điều này cũng nhằm cho thấy cả hệ thống chính trị đang cùng nhân dân đồng lòng dồn hết nguồn lực để chống dịch.
Còn nếu vẫn đeo đuổi "mục tiêu kép" sẽ khiến Việt Nam dễ phân tán nguồn lực và trở nên kém hiệu quả, thậm chí có rủi ro. Trong một bài toán bị ràng buộc phải tìm ra một kết quả tối ưu chứ không thể đạt được tất cả lợi ích. Nếu đem Biên phiên dịch lên bàn cân, sức khoẻ của toàn dân lúc này quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế.
- Ông đánh giá sao về những giải pháp Chính phủ đưa ra gần đây?
- Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, tôi cho rằng Chính phủ đã làm rất tốt trên cả hai mặt trận là chống dịch bệnh và đảm bảo phát triển kinh tế. Quyết tâm thực hiện chiến lược kép "vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng" vừa qua có thể giúp giữ vững niềm tin cho người dân và doanh nghiệp để họ cố gắng bám trụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện loạt giải pháp giãn, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn hoặc miễn giảm lãi vay, hạn chế thanh kiểm tra... cũng rất bài bản. Hiệu quả trước tiên là hạn chế được tâm lý "bầy đàn" và đầu cơ tích trữ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng trong việc chống dịch và phát triển kinh tế.
Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để những giải pháp này được đi vào thực tế và thực sự đến được với đối tượng cần hỗ trợ.
- Vậy Chính phủ nên làm gì cho nền kinh tế lúc này bên cạnh ưu tiên chống dịch?
- Cái quan trọng nhất vẫn là sự thực thi, thực thi và thực thi. Chính phủ phải tiếp tục bắt tay vào làm rốt ráo và thực chất các giải pháp bằng cách phân loại các doanh nghiệp ra, xem đơn vị nào thật sự cần hỗ trợ, hỗ trợ cái gì và đến đâu. Khi đó, các giải pháp miễn giảm thuế, phí, các gói hỗ trợ tín dụng mới đi đúng đối tượng, đúng đích và tránh được các nhóm lợi ích, trục lợi... Điều này là cực kỳ quan trọng, bởi nếu chủ trương đúng nhưng thực hiện sai thì giải pháp cũng thất bại.
Chính phủ cần làm sao giữ ổn định sản xuất, ổn định hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc làm cho người dân. Đồng thời cố gắng hạn chế tối đa tình trạng phá sản xảy ra hàng loạt để khi dịch bệnh đi qua sẽ dễ giúp nền kinh tế phục hồi.
Không gói kích thích nào chống được nỗi sợ hãi
- Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các gói kích thích kinh tế được chính phủ nhiều nước tung ra, thậm chí tặng tiền để người dân chi tiêu. Theo ông, ông nghĩ sao về một gói kích cầu với Việt Nam?
- Lúc này, không có gói kích thích kinh tế nào chống được nỗi sợ hãi. Chúng ta không nên nghĩ đến gói kích cầu vì ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khoẻ cho toàn dân và nguồn lực để chống dịch.
Kích cầu chỉ sử dụng khi nền kinh tế gặp một cú sốc nào đó như giá dầu, tiền tệ hoặc ngoại sinh như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Khi đó ngân hàng trung ương bơm tiền ra thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm kéo mặt bằng giá cả giảm xuống, giúp người dân thấy quyết định chi tiêu của họ hiệu quả hơn và mạnh tay chi tiêu để kéo tổng cầu lên. Như thế mới gọi là kích cầu.
Người dân ở nhà, học sinh nghỉ học, mọi hoạt động vui chơi tạm ngưng vì dịch bệnh chứ không phải do giá cả đắt đỏ mà không dám chi tiêu. Vậy thì kích cầu lúc này sẽ không có hiệu quả hay nói cách khác là vô nghĩa. Ngay gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng vừa qua cũng chưa chắc đã hấp thụ vào nền kinh tế được.
Nhà hàng tại phố đi bộ Bùi Viện (TP HCM) đóng cửa ngày 14/3 do Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Dịch bệnh sẽ còn tác động mạnh lên hành vi cũng như lòng tin tiêu dùng của người dân. Chưa kể, các động thái gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến thị trường chứng khoán nước này sụt giảm thảm hại cũng làm lây lan tâm lý bi quan cho nhà đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, hệ thống tài chính sẽ là nơi rất dễ bị tổn thương và cần sự chú ý đặc biệt.
Như mọi dịch bệnh, cuối cùng Covid-19 cũng sẽ kết thúc. Cho dù nỗi sợ hãi có lớn đến đâu, Covid -19 sẽ không bao giờ là nguyên nhân thuộc về cấu trúc nội tại để dẫn đến suy thoái kinh tế ở các nước. Có chăng, đó chỉ là biến cố thêm vào các căn bệnh cố hữu nội tại, khiến cho một vài nước lo sợ nó thúc đẩy nhanh hơn quá trình suy thoái, nên họ phải tung ra các gói kích thích kinh tế.
- Doanh nghiệp cần làm gì và làm như thế nào để vượt qua khủng hoảng và cuộc chiến dài kỳ này ?
- Điều quan trọng nhất lúc này là sự kiên định và tính linh hoạt.
Doanh nghiệp có thể chia làm hai loại hình, một bên là các tập đoàn kinh tế nhà nước và một bên là kinh tế tư nhân. Trong đó, các tập đoàn nhà nước đặc thù có tiềm lực tài chính mạnh, có mô hình hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực hoặc có tính đặc thù nên đủ sức để gắng gượng qua mùa dịch.
Đáng ngại nhất là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Đa số họ không có tiềm lực tài chính nên dễ bị tổn thương khi tiêu dùng và tổng cầu của nền kinh tế giảm xuống, Họ rất cần được ưu tiên hỗ trợ và bảo vệ.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, bản thân họ cũng phải cố gắng. Doanh nghiệp nhỏ nhưng họ sẽ có lợi thế ở tính linh hoạt trong mô hình hoạt động. Chẳng hạn, khi mọi người đều ở nhà, làm việc tại nhà sẽ hình thành những nhu cầu và mô hình kinh doanh mới. Điều này đòi hỏi họ sáng tạo và linh hoạt chuyển đổi để đáp ứng.
Thậm chí, sau đại dịch một số thói quen và nhu cầu con người cũng có thể thay đổi. Khi đó, bên cạnh nguy cơ phá sản thì sẽ có những cơ hội và cho ra đời những dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới thay cho truyền thống.
Nói tóm lại, đại dịch lần này cũng có thể xem là liều thuốc thử với doanh nghiệp, sẽ sàng lọc bớt những đơn vị nào không đủ sức khoẻ, còn những ai thích nghi được sẽ tồn tại theo hướng mới và phát triển mạnh hơn.
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét